Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

Văn hóa ứng xử trong mâm cơm người Việt

Mâm cơm trong các gia đình Việt là nơi để các thế hệ quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện, là nơi bồi đắp và nuôi dưỡng tình cảm. Chính vì vậy, theo tập tục, thói quen từ nhiều đời qua, mâm cơm gia đình vẫn giữ được những giá trị văn hóa cao đẹp nhờ những quy tắc ứng xử mà không hẳn ai cũng đã hiểu hết.


Luôn chọn cơm gạo tẻ



Cây lúa là hình ảnh thân thương gắn liền với dân tộc ta từ thuở sơ khai cho đến nay. Hạt gạo được xem là kết tinh của văn hóa lâu đời, của công sức lao động của người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vì thế, cơm nấu từ hạt gạo tẻ là món chính trong mọi bữa ăn. Dùng kèm với cơm sẽ có các món canh, kho, xào, chiên,...

Mâm cơm hình tròn

Hình tròn biểu hiện cho sự đủ đầy và sum vầy, hạnh phúc. Các  món ăn sẽ được bày biện trong mâm sao cho cân đối và gọn gàng. Thông thường, nước chấm sẽ được đặt chính giữa, sau đó lần lượt xếp các món khác. Khi ăn mọi người cũng sẽ ngồi quây quần theo hình tròn, tạo cảm giác khăng khít, ấm cúng.


Dùng đũa khi ăn



Trong khi người phương Tây chỉ quen dùng dao, nĩa,... thì bữa cơm gia đình Việt hoàn toàn quen thuộc, thành thạo với việc sử dụng đũa. Dù được sử dụng ở nhiều quốc gia, nhưng vẫn có sự khác biệt trong văn hóa dùng đũa ở các nước Châu Á.

Với người Việt, trước khi ăn luôn phải “so đũa” sao cho hai chiếc trong một đôi phải cân đối. Không dùng đũa để đưa thẳng thức ăn lên miệng mà phải đặt trước vào chén. Nếu muốn dùng đũa gắp thức ăn cho người khác phải trở đầu đũa. Đũa cá nhân mình sử dụng không được dùng để khuấy, đảo vào món ăn chung của cả nhà.

Mời cơm

Đây không chỉ là nét văn hóa lâu đời mà còn là câu chuyện về đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống. Con cháu trong nhà đến bữa ăn phải biết mời ông, bà, cha, mẹ dùng bữa hoặc mời khách để thể hiện sự tôn trọng. Lời mời tưởng chừng như giản đơn ấy lại thể hiện sâu sắc sự quan tâm và tình cảm gắn bó trong gia đình.

Ứng xử trong mâm cơm



Thực tế, tùy vào từng vùng miền, mâm cơm gia đình lại có những quy tắc khác nhau do tác động từ tập tục vùng đó. Tuy nhiên, cơ bản vẫn phải giữ được những lễ nghĩa chung.

Thứ nhất, tạo sự thoải mái trong bữa ăn. Thế nhưng thoải mái ở đây là trong thái độ, cảm xúc không phải sự xuề xòa, vô ý ở lời nói. Thoải mái song vẫn phải giữ chừng mực, ý tứ.

Thứ hai, “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, không nên ngồi sát mâm cơm hay chỉ chăm chăm vào việc ăn uống mà không để ý đến người khác. Tránh việc vừa ăn vừa nói. Thậm chí nhiều nơi còn hạn chế việc phát ra tiếng khi nhai, điều này khá khác biệt so với các quy tắc ứng xử của người Hàn Quốc. 

Thứ ba, nên tôn trọng công sức người đã tạo ra bữa cơm cho gia đình. Đừng chê bai món ăn không hợp khẩu vị với mình. Đây là quy tắc rất có giá trị trong văn hóa ứng xử trên mâm cơm. Bởi lẽ ngoài việc tránh làm tổn thương người nấu, đây còn là hành động cho thấy sự coi trọng với người khác, vì món ăn không hợp với mình nhưng chưa hẳn người khác đã thấy vậy.

Bữa cơm gia đình là nơi chứa đựng nhiều đạo lý, quan niệm sống sâu sắc. Dù không được ghi lại thành sách nhưng những nếp sống này vẫn được thế hệ ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu từ đời này sang đời khác.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét