Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

Nhà dài Ê Đê - Nét văn hóa và kiến trúc độc đáo

Nếu ai đã từng ghé thăm Đăk Lăk - bản hùng ca giữa núi rừng Tây Nguyên, chắc hẳn sẽ khó lòng quên được hình ảnh người dân Ê Đê nhiệt thành, hiếu khách. Ngoài ẩm thực độc đáo của người Ê Đê, công trình nhà dài truyền thống của dân tộc này cũng chứa đựng rất nhiều điều thú vị về văn hóa, tập tục.


Nhìn toàn cảnh, ngôi nhà giống như hình chiếc thuyền độc mộc với 2 đầu mái nhô ra trên rộng dưới hẹp mà giới kiến trúc thường ví von là kiểu “ thượng thách hạ thu”.  Nhà dài thường được làm chủ yếu từ các vật liệu tự nhiên như: tranh, tre, nứa và gỗ. 


Nhà được dựng vách và lót sàn bằng các phên nứa đập nát; mái lợp cỏ tranh đánh rất dày, trên 20 cm, thường chỉ làm một lần và sử dụng vĩnh viễn không phải lợp lại. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4–5 m. Gầm sàn cao khoảng hơn 1m trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà nên rất mất vệ sinh, sau này đã bỏ dần tuy nhiên có một số nơi vẫn theo phong tục cũ này. Khi làm nhà mới, người Ê Đê rất kiêng không bao giờ dùng lại gỗ nhà cũ mà thường đốt bỏ, tuy nhiên ngày nay phong tục này chỉ còn tồn tại ở các vùng sâu gần rừng nơi còn dễ kiếm gỗ làm nhà. Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê là thường rất dài vì là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. 


Để lên xuống nhà, người dân thường đặt chiếc cầu thang “cái” ở trước. Chiếc cầu thang này được làm từ một cây gỗ to, chắc chắn và được gọt đẽo rất công phu. Hình ảnh khiến không ít người tò mò là đôi bầu sữa mẹ được đẽo ngay trên chiếc cầu thang này. Điều này được lý giải vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ là trụ cột trong gia đình. Do đó, khách đến chơi sẽ lên nhà bằng cầu thang này. Lúc về có thể xuống lại theo đường cũ hoặc sử dụng cầu thang phụ.


Hiện nay, khi đến Tây Nguyên, thường chỉ bắt gặp những ngôi nhà dài từ 30 đến 40m. Nhưng xưa kia, ở mảnh đất Bản Đôn này đã từng có những ngôi nhà dài đến hàng trăm mét như trong Trường ca Đam San đã nhắc đến “Nhà dài, dài như một tiếng chiêng ngân, dài như một thôi ngựa chạy”.

Phần bên trong ngôi nhà được chia làm 2 phần rõ rệt:
  • Phần Gar: là gian dành để tiếp khách, phần này chiếm khoảng 1/3 diện tích ngôi nhà và là nơi trưng bày các hiện vật quý giá của gia đình như: dàn Cồng Chiêng, trống H’Gơr, ghế Kpan, ghế J”hưng. 
  • Phần Opp: là nơi sinh hoạt chính của gia đình cộng cư. Mỗi gia đình đều có vách ngăn riêng và bếp lửa riêng vì trong 1 ngôi nhà dài thường có nhiều gia đình sinh sống với nhau 



Người Ê Đê có tập quán là khi đi ngủ thì đầu quay về hướng Đông và chân quay về hướng Tây. Do đó nhà dài theo hướng Bắc Nam. Chỗ ngủ được ngăn đơn giản bằng những thành tre làm nhiều ngăn. Ngăn đầu tiên là ngăn của vợ chồng chủ nhà, tiếp theo là ngăn người con gái chưa lấy chồng, sau đó đến các ngăn của vợ chồng, cuối cùng là ngăn dành cho khách.

Có thể thấy, nhà dài không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi thể hiện rõ nét tinh hoa văn hóa trong đời sống của người dân Ê Đê. Cũng từ chính ánh lửa bập bùng hằng đêm tại ngôi nhà này, nét đẹp truyền thống ấy qua lời kể của thế hệ đi trước cứ thế sống mãi trong lớp trẻ qua những câu chuyện đậm chất sử thi.



Xem thêm:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét